sức khỏe chế độ bảo hiểm chính phủ mông nhà nước chất lượng cao lao động chính sách bảo hiểm xã hội quỹ bảo hiểm bảo hiểm bão môi trường sinh thái chất lượng người lao động gia việc làm đồng bảo hiểm lợi ích công an
(Dân trí) - Cuộc tranh luận về "nới" tuổi nghỉ hưu đã sôi động từ nhiều năm qua, nay mới cận tới hồi kết. Nhưng trái với nhiều ý kiến trước đây ủng hộ nên tăng, thì nay cán cân đang nghiêng theo luồng ý kiến đông đảo e ngại những hệ lụy của việc làm này.
>> Trẻ còn thất nghiệp, sao nới tuổi hưu?
(minh họa: Ngọc Diệp)
Giữ người hay giữ ghế?
Về mặt lý thuyết, những lý lẽ được ngành chức năng nêu lên xem ra đều có sức thuyết phục. Nhưng về mặt thực hành, dân ta chẳng lạ gì những cách làm "made in VN" hay nói cách khác là: Nói vậy mà không phải vậy. Nhất là khi vẫn còn đó tệ chạy chọt, ô dù, phe cánh...khiến những hồi chuông cảnh báo chảy máu chất xám vẫn không ngừng vang lên để rồi lại rơi tõm vào thinh không...
Xét từ những điều kiện thực tế và thực tại ở VN, điều khiến nhiều người quan ngại nhất chính là việc "nới" tuổi nghỉ hưu chỉ tạo thêm kẽ hở cho các "nhóm lợi ích"... giữ ghế, duy trì quyền lợi và bổng lộc.
Ngay cả những người ủng hộ chủ trương này nói chung, cũng phải nhắc nhở những điểm cần lưu ý thêm:
"Lao động trí óc, thợ lành nghề bậc cao, các nghệ nhân nếu kéo dài tuổi hưu được thì rất tốt. Tuy nhiên trong thời gian kéo dài tuổi hưu thì chỉ nên làm chuyên môn thôi, tuyệt đối không nên để làm quản lý. Như vậy sẽ giữ lại được những người tâm huyết muốn cống hiến và họ sẽ đóng góp tốt cho xã hội. Còn những người lợi dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu để tham quyền cố vị chắc không muốn kéo dài thời gian công tác nếu không được làm quản lý" - Trần Phong: thusinh30@yahoo.com
"Tận dụng lao động kỹ thuật cao là rất tốt, tránh lãng phí và không thiếu hụt bất thường nguồn lao động chất lượng cao. Nhưng ở nước ta, theo tôi nghĩ, không thể coi việc kéo dài tuổi hưu trí (Nam đến 65. Nữ đến 60) được. Mỗi năm VN có thêm 1 triệu lao động. Ai dám chắc số người được cho là lao động chất lượng cao kia đã hơn những người trẻ tuổi? Người ở lại với tư duy cũ, cách làm cũ chắc gì đã mang lại hiệu quả? Vô hình trung chúng ta đã bịt kín đường tiến thân của rất rất nhiều bạn trẻ. Hãy xem xem, những ngườì muốn kéo dài tuổi về hưu là những ai? họ đang làm cương vị nào? có nhiều bổng lộc không? Đã bao giờ họ nhìn từ phía những người lao động kể cả phụ nữ và nam giới đang sống và làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc chưa? Có bao giờ lắng nghe những ý kiến của họ về chuyện nghỉ hưu chưa?
Tôi mong những người đề xuất chính sách hãy chịu khảo sát một chút. Lao động chất lượng cao là quý. song không thiếu gì cách để tận dụng tránh lãng phí mà vẫn hiệu quả. Vậy nên theo tôi, tuyệt đối không được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nếu cần giữ lại lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu theo luật định thì hãy lấy sự đồng thuận của người lao động, căn cứ trên sự cần thiết của các nhóm công việc mà có chế độ với họ trên cơ sở hợp đồng lao động thời vụ. Mọi chế độ bảo hiểm xã hội được tính vào lương của họ. Tôi tin là sẽ có chuyển biến khá tích cực và sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội" - Thái Quang Trung: thaiquangtrung1972@gmail.com
Còn với nhiều người có lẽ là có tư duy hiện đại hơn, thì động thái "nới" tuổi nghỉ hưu cho lực lượng lao động VN chưa hẳn là đã đáp ứng được những mục tiêu đề ra. Ví dụ, một đại diện cho phái nữ bộc bạch:
"Tôi rất đồng ý với quan điểm cũng như phân tích thấu đáo của tác giả bài viết này. Bản thân tôi cũng là nữ, nhưng nói kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nữ để thể hiện sự bình đẳng thì tôi thấy cũng không hẳn là đúng. Với tôi, trong nhiều lĩnh vực có lẽ việc để chị em được nghỉ sớm trước nam giới mới là bình đẳng. Mặc dù tôi đang công tác tại một công ty rất phát triển, thu nhập ổn định, nhưng nếu được nghỉ hưu sớm tôi cũng không luyến tiếc. Cần xóa bỏ dần quan điểm ngồi đó để giữ chỗ ngay cả khi tuổi đã cao, sức đã yếu" - Vu Thi Kim Toan: vuthikimtoan@yahoo.com.vn
Một đại diện cán bộ đã hưu trí khác cũng bày tỏ:
"Tôi đã là cán bộ nghỉ hưu. Đọc bài viết này, tôi thấy thật sâu sắc. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì bao giờ lớp trẻ mới có việc làm đây? Tôi thấy nhiều người trẻ bây giờ có những suy nghĩ sâu sắc hơn tuổi già chúng tôi. Tôi mong Chính phủ quan tâm đến bài viết này. Tôi không phủ nhận những người làm lãnh đạo lâu năm là những người có tài, nhưng thời buổi bây giờ tệ "mua quan bán chức nhiều lắm". Mong Chính phủ xem xét" - Nguyễn Thu Hiền: thuhien1955@gmail.com
(minh họa theo: Tuổi Trẻ)
Cơ hội cho số ít, thách thức với số đông
Còn với đa số, sự thiếu lòng tin vào mục đích của động thái này cứ được lặp đi lặp lại qua bao câu hỏi nghi vấn, song song với những phân tích về cơ hội mở ra cho những người có thể coi là đã có tuổi + thâm niên công tác, đồng thời cũng khép lại cánh cửa với thêm nhiều người trẻ + bao thách thức, gánh nặng...phát sinh cho xã hội.
"60 tuổi với nhiều người đã tới lúc nhớ lúc quên, sức khỏe xuống cấp, độ mẫn tiệp không còn nhiều, tính khí lại hay thay đổi. Nên về nghỉ để lớp trẻ còn có cơ hội làm việc, chứ cứ cố ở lại giữ ghế cản đường thì tuổi trẻ sao làm việc được? Nói thật, tôi thấy tuổi này với không ít cán bộ VN thực ra đã là quá già để nghỉ hưu so với thời buổi hiện đại. Và cũng không hiểu sao dạo này có lắm đề xuất lạ lùng đến vậy? Từ chuyện tăng tuổi giữ ghế, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để cứu..., phí giao thông, phí ATM....Dân không biết đâu mà lần để còn biết nói gì nữa..." - Nguyễn Xuân Đạt: nguyenxuandat1971@gmail.com
"... Tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ làm mất đi việc làm, cơ hội cống hiến của lớp trẻ mà còn hợp thức hóa cho không ít kẻ tham quyền cố vị, kìm hãm sự phát triển, sự đổi mới từ tư duy cho tới đà phát triển của kinh tế và xã hội. Những người quá tuổi nghỉ hưu còn năng lực, còn sức khỏe không thiếu gì việc làm cho họ ngoài xã hội tại các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân. Còn lại đa số sức khỏe giảm sút theo đúng với quy luật về tâm sinh lý của con người, rất cần nghỉ ngơi để dưỡng già, đoàn viên cùng gia đình con cháu. Nếu quỹ bảo hiểm xã hội không cân đối thu/chi thì xem xét lại mức thu bảo hiểm sao cho phù hợp. Có như thế lớp trẻ mới có việc làm, mới có cơ hội cống hiến trí tuệ, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến... Nhờ thế, VN mới bắt kịp với xu hướng tiến bộ của thế giới, không bị lạc hậu, trì trệ, bảo thủ, giảm bớt được tệ nạn xã hội phát sinh từ vấn đề thất nghiệp của lớp trẻ..." - Nguyễn Đình Bình: binhnguyen@yahoo.com
"Nếu tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam lẫn nữ thêm 5 năm nữa, thì chỉ có lợi cho những người có chức có quyền có bổng lộc. Đây có thể được coi là lợi ích nhóm của những người được mệnh danh là công bộc của dân. Còn đại đa số người lao động chỉ dựa vào mồ hôi và sức lực của mình làm công ăn lương, thì tôi tin là đến tuổi 60 với nam và nữ 55 đa số đều muốn nghỉ lắm rồi, thậm chí có không ít người còn mong nhà nước có chính sách khuyến khích cho họ được nghỉ hưu trước tuổi. Mặt khác làm vậy cũng là để sắp xếp lực lượng lao động trẻ có trình độ và năng lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước để sử dụng chất xám, tránh được sức ỳ và sự bảo thủ, tham quyền cố vị của một bộ phận cán bộ đã lão hóa nhưng vẫn còn muốn giữ ghế, hưởng bổng lộc" - Nguyễn Văn Bình: binhngv@gmail.com
"Tôi hoàn toàn nhất trí với bài viết của tác giả Nguyễn Thu Linh. VN hiện đang còn hàng chục ngàn lao động trẻ (không muốn nói là hàng triệu) có bằng cấp, được đào tạo qua trường lớp đàng hoàng, nhưng đang chịu cảnh thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu của số cán bộ tại chức thì cơ hội tìm việc của lớp trẻ lại càng bị thu hẹp, tệ nạn XH do không có công ăn việc làm sẽ gia tăng. Nếu để cho các cán bộ đang tại chức nghỉ hưu đúng độ tuổi hiện tại, thì khi nghỉ rồi dù gặp phải chuyện gì chắc họ đã đủ độ chính chắn để sẽ không gây ra những việc làm đáng tiếc như lớp trẻ đang thất nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách có tính đến điều này?" - Lương Nguyễn: Nguyenluong64@yahoo.com.vn...
Trên cơ sở những phân tích từ chính thực tế cuộc sống, nhiều ý tưởng xem ra bám sát mặt bằng thực tế hơn, như thường lệ, được người dân đề xuất thay cho các "siêu ý tưởng":
"Tôi mong Quốc hội và Chính phủ nên có chính sách khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tự tạo việc làm, chứ không phải ăn bám vào ngân sách. Tự tạo việc làm bằng hai nguồn chủ yếu: Đất đai và lao động. Đất là mẹ, lao động là cha. Đất đai nông nghiệp, đất kẹt trong khu dân cư, lâu nay không khai thác còn nhiều, vì vậy nên khuyến khích nhân dân tự bỏ vốn để đầu tư những công trình nhỏ như nhà trẻ tư, vườn trẻ tư kết hợp với môi trường sinh thái, sản xuất dịch vụ... Chứ hiện tại có nhiều đất bỏ hoang quá mà đầu tư thì thủ tục vẫn rất rườm rà, dù xã hội đang rất cần các loại hình đầu tư đó" - Nguyen Quang Long: nguyenquanglong0206@yahoo.com
"Tôi hoàn toàn tán đồng quan niệm của người viết. Chúng ta đang có quá nhiều việc làm chưa tốt và một trong những việc ấy là quản lý xã hội tầm vĩ mô quá lỏng lẻo. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì hầu hết người lao động trực tiếp, nặng nhọc cũng sẽ xin nghỉ sớm hơn quy định. Vì vậy, nới tuổi hưu sẽ chủ yếu phục vụ cho bộ phận những người đã có chức vụ và đó cũng chính là biểu hiện của lợi ích nhóm. Đề nghị cần lắng nghe ý kiến của đông đảo người lao động" - Nguyễn Hưng: gagodo228@gmai.com
"... Theo tôi, giảm độ tuổi nghỉ hưu mới là chính sách thiết thực và đúng đắn với VN hiện nay, bởi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng (sớm giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ, phát huy được trí tuệ và sức lực của lao động trẻ..v...v..) Tôi đồng tình với quan điểm độ tuổi nghỉ hưu của Nam và Nữ bằng nhau và ở mức không quá 50 tuổi.
Còn để giải quyết cân đối thu chi cho quỹ bảo hiểm xã hội thì rất đơn giản, nâng mức đóng BHXH lên, người lao động chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đóng BHXH tăng lên. Và chúng tôi cũng rất mong nhà nước cải cách thang bảng lương hiện tại của khối sản xuất theo hướng nâng hệ số lương lên để đảm bảo cuộc sống của người lao động trong thời gian công tác cũng như khi đã nghỉ hưu. Chúng tôi chấp nhận đóng bảo hiểm tăng lên để có đồng lương hưu đảm bảo cuộc sống..." - Lâm Thế Chung: thechungevn81@gmail.com
Cả về tác phong, ý thức, trách nhiệm... của đội ngũ CBCNVC nước ta lâu nay vẫn bị chê là còn kém, vậy có nên dằng dai thêm cái sự "co dãn kiểu dây thun" tuổi làm việc cho chậm nghỉ hưu, để lớp trẻ lại càng thêm ít đi cơ hội tiếp cận với việc làm để đóng góp sức trẻ, sự năng động, tài năng...cho đất nước?
Khánh Tùng
bảo hiểm môi trường sinh thái công an chế độ bảo hiểm bảo hiểm xã hội gia đồng bảo hiểm nhà nước chính phủ việc làm bão chất lượng quỹ bảo hiểm chất lượng cao chính sách người lao động mông lao động lợi ích sức khỏe
0 nhận xét:
Đăng nhận xét