Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Tây Nguyên: Khó khăn trong việc phát triển rừng

thủ tướng trái pháp luật phát triển bão quản lý nhà nước chất lượng công ty

Sáng 14-3, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, cùng các ban ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo kết quả theo dõi diễn biến rừng các tỉnh Tây Nguyên năm 2011, tổng diện tích toàn khu vực là 2.848.000ha, đạt độ che phủ toàn khu vực 51,3%, trong đó rừng có trữ lượng (gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) là 1.772.744 ha, chỉ đạt độ che phủ trên phạm vi toàn vùng Tây Nguyên là 32,4%.

Hàng năm, tình trạng giảm diện tích rừng diễn ra ở mức báo động, bình quân giảm 25.737 ha/ năm. Và chất lượng rừng suy giảm rõ rệt, rừng giàu còn 16%, còn lại là rừng nghèo phục hồi giá trị về kinh tế, môi trường và đa dạng sinh học thấp. Chất lượng rừng trồng mới và rừng tự nhiên phục hồi thấp, công tác bảo vệ, chăm sóc rừng không được quan tâm đứng mức. Nạn phá rừng đang diễn ra báo động và nghiêm trọng. Từ năm 2008 - 2012, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện 8.643 vụ phá rừng trái pháp luật. Tình trạng khai thác trái pháp luật tập trung chủ yếu tại những khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, gỗ có giá trị thương mại cao như huyện Tuy Đức, Đắk Song của tỉnh Đắk Nông; huyện Dạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng; hay các huyện Krông Năng, Ea H'Leo, Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk....

Hiện nay, công tác quản lý rừng còn lỏng lẻo, tình trạng vi phạm về quản lý diễn ra phổ biến, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động vẫn mang tính hình thức, không phát huy được tính chủ động trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có 53 Ban quản lý rừng phòng hộ, quản lý 951.192ha và 56 Công ty Lâm nghiệp nhà nước quản lý là 998.523ha đất lâm nghiệp, có tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp là 540 tỷ đồng, (bình quân mỗi công ty là 9,64) và tổng số lao động dài hạn, cán bộ quản lý 1.866 người (bình quân mỗi công ty 33 người). Trong số 56 công ty Lâm nghiệp chỉ có 7 công ty tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững như Công ty Krông Bông, công ty M'Đrăk tỉnh Đắk Lắk; công ty Đại Thành, Công ty Đắk N'Tao của tỉnh Đắk Nông; Công ty Đắk Tô của tỉnh Kom Tum...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đưa ra các ý kiến khắc phục sự suy giảm diện tích và chất lượng rừng, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Sự phát triển các cơ sở sản xuất Tây Nguyên tới 1.510 cơ sở. Các cơ sở chế biến gỗ thiếu quy hoạch. Vì vậy, cần chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gỗ. Và để phát triển rừng chúng ta cần tăng cường thêm lực lượng con người và đầu tư nguồn vốn cho các địa phương để thực hiện các dự án bảo vệ rừng".

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg về các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng...và tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, giải quyết vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Để bảo vệ rừng chúng ta kiên quyết chấm dứt hoạt động của 1.500 xưởng chế biến gỗ nằm trong rừng. Đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đến vấn đề thành lập lực lượng cảnh sát lâm nghiệp để tăng cường bảo vệ rừng..."

Phạm Nhài

chất lượng công ty bão trái pháp luật thủ tướng phát triển quản lý nhà nước

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...