Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Trung Quốc: Thẳng tay với nạn mua bán chức trên quan trường

Một quan tham Quảng Châu bị xét xử trước tòa.

Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 14/3 vừa qua, tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết mạnh tay tiêu diệt tệ nạn tham nhũng trong hệ thống chính trị. tuyên bố của ông đang khiến nhiều quan lớn, quan bé từ trung ương đến địa phương có dính dáng đến tham nhũng phát "sốt" vì lo lắng.

Muốn ngồi ghế quan... phải chi cho đậm

Chống tham nhũng là vấn đề sống còn đối với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Họ phải giải quyết vấn nạn này để vừa củng cố vững chắc quyền lực vừa thanh lọc đội ngũ cán bộ để hệ thống chính trị mạnh hơn. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng để nhổ tận gốc quan tham không hề đơn giản, bởi vì chốn quan trường Trung Quốc luôn diễn ra những cuộc ngã giá mua bán công khai lẫn bí mật, từ trên xuống dưới theo nghĩa đen.

Người dân Trung Quốc vẫn còn nhớ đến trường hợp của Hoàng Ngư Bưu, được báo chí Trung Quốc và quốc tế đưa tin hồi tháng 1 vừa qua. Hoàng Ngư Bưu là ông trùm bất động sản giàu có, từng một thời như "tia sáng lấp lánh" tích cực làm 'từ thiện". Triệu phú này từng xuất hiện trên truyền hình địa phương tuyên những lời hứa như có đôi cánh thiên thần trước những người dân nghèo khổ rằng "tôi sẽ cho bà con bất cứ điều gì bà con cần".

Sở dĩ đại gia bất động sản Hoàng Ngư Bưu mạnh miệng một tấc lên đến... trời như vậy là vì ông đang nhắm đến một chức quan để thiên hạ phải nể nang ông hơn. Nhưng rồi, giấc mộng quyền lực của ông đang tít trên cao bỗng rơi phịch xuống đất khi những nỗ lực trong việc mua một "chỗ ngồi" trong  Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Nam thất bại thảm hại.

Sự chẳng thành, ngay lập tức Hoàng Ngư Bưu "trở mặt" tố cáo những quan chức ăn tiền đút lót của mình, tiếp xúc với người dân qua Internet, ông thừa nhận đã chi ra gần 50.000 đôla Mỹ để hối lộ 320 cán bộ Hội đồng nhân dân thành phố Thiếu Dương, tỉnh Hồ Nam để mua một chức đại biểu tỉnh ủy.

Không những tự tố, tố cả trăm cán bộ đã "ăn bẩn" tiền của mình, ông Hoàng còn phanh phui vụ việc ra ngoài biên giới Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc tế với giọng hậm hực đầy nuối tiếc: "Mọi người đều làm việc đó. Số tiền hối lộ của tôi quá ít, nên tôi không được bầu. Họ đòi tôi thêm tiền, nhưng tôi đã không làm. Họ nói với tôi, tôi không thể được bầu vì tôi chỉ trả 160 đôla Mỹ/đầu cán bộ. Cần phải có nhiều hơn, thậm chí gấp 3 lần".

Không dừng lại ở việc công khai bê bối đó trên báo, đài trong nước và quốc tế, ông Hoàng Ngư Bưu còn dứt hẳn tình xưa nghĩa cũ, tố cáo một quan chức cỡ bự, Phó trưởng ban Thường trực Hội đồng thành phố Thiếu Dương "xúi giục" ông đưa hối lộ. Ông "khai" với Tân Hoa xã rằng, ban đầu ông chỉ dự tính "bồi dưỡng" 470 cử tri, nhưng đã bỏ giữa chừng vì nhận ra đó chỉ là quá trình vô nghĩa (?!). Ông đã thất cử và "ôm" trọn 26 lá phiếu về nhà làm... kỷ niệm. Hiện Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ tham nhũng động trời này.

Mua quan, bán chức đã trở thành một thứ "nghệ thuật"

Một vụ việc tiêu biểu gần đây là vụ cựu Phó bí thư Đảng tỉnh Sơn Tây, Hồ Hiếu Hiền, người có biệt danh "bí thư mua chức".

Hồ Hiếu Hiền đã bị cách chức do tham nhũng, khi còn đương nhiệm Hồ Hiếu Hiền "sừng sững" như cây lớn, xòe 10 đầu ngón tay quyền lực che chở, nâng đỡ cho hơn 100 quan chức. Ông bị kết án 11 năm tù, nhưng rồi chẳng hiểu vì lý do gì Hồ Hiếu Hiền được trả lại quyền công dân, trả tự do trước thời hạn  chỉ sau 5 năm chấp hành cải tạo trong trại giam, sự việc này khiến nhiều người dân, đặc biệt cư dân mạng Internet Trung Quốc phản đối và rất bất bình.

Thậm chí, cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải danh sách thông tin phải bỏ ra  bao nhiêu chi phí để mua các chức vụ nhất định ở thành phố Sâm Châu. Năm 2006, giá chức bí thư huyện là 300.000 đôla Mỹ, chức cảnh sát trưởng huyện có thể mua với giá 250.000 đôla Mỹ.

"Mọi thứ đều có thể mua bán. Thậm chí một số người không sử dụng tiền mặt. Tôi biết rằng người ta muốn trở thành các nhà lập pháp chỉ cần biếu đồ cổ hoặc cổ phiếu cho bất kỳ ai đang tại chức hoặc thậm chí giúp các thành viên trong gia đình các cán bộ đi du học", nhà sử học Trương Lý Phan chua chát nói lên suy nghĩ của ông về "nghệ thuật" bán quan, mua chức.

Các chuyên gia phòng chống tham nhũng đều nhất trí cho rằng, khi đang làm một cán bộ Hội đồng nhân dân, nếu cứ bo bo giữ thanh danh sẽ "đói rã họng", thiếu cơ hội để "làm tiền", chẳng hạn như phê duyệt các giao dịch đất đai hay miễn nhiệm các trường hợp cảnh sát là thời cơ để quan nhét đầy tiền bạc vào túi tham vô đáy.

"Trở thành cán bộ hội đồng không phải là mục đích chính khi nhắc đến việc mua chức vị. Nó có xu hướng xảy ra nhiều nhất ở các vị trí có giá trị cao, ví dụ như bí thư, thị trưởng hoặc cảnh sát trưởng. Họ đều hưởng nhiều lợi ích", ông Dân Kiến Minh, người đã nghiên cứu các phương pháp giảỉ quyết nạn tham nhũng hơn một thập niên qua cho biết

Khi bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc tiếp nhận quyền lực, việc thay đổi nhân sự sẽ diễn ra ở từng cấp độ của hệ thống chính trị, đồng hành với điều này là sự mở rộng hơn nữa cơ hội mua quan, bán chức.  Năm 2010, Ủy ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các chính sách mới để giải quyết "ung nhọt"  này do ông Lý Nguyên Triều, nay là Phó chủ tịch nước Trung Quốc lãnh đạo.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã mạnh mẽ cam kết "chúng tôi muốn những kẻ bán chức mất uy tín thể diện hoàn toàn, còn những kẻ mua quan phải chịu thiệt hại gấp đôi"

Từ khoá: người dân cảnh sát chính trị trung quốc làm từ thiện quốc tế chủ tịch nước gia bất động sản

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...