Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Đủ chiêu trò để... lách

sản phẩm bộ tài chính quảng cáo gia tiêu dùng người tiêu dùng doanh nghiệp thay đổi chất lượng quy định

Những ngày đầu tháng 3 này, thị trường sữa nước ta lại bị dội thêm "quả bom giá" khiến sức nóng lan tỏa đến tận bữa ăn, túi tiền mỗi người dân, gia đình. Các nhà sản xuất, cung cấp sữa viện đủ lí do, kể cả những lí do "trời ơi đất hỡi" hay đơn giản nhất là lách luật nhằm tăng giá sữa để thu lợi. Thực tế là năm nào cũng vậy, điệp khúc tăng giá sữa đều xảy ra và dường như cơ quan chức năng đều bó tay, bất lực trước tình trạng này.

Từ sau Tết, một số doanh nghiệp sữa đã có 2 đợt tăng giá với mức tăng tổng cộng lên đến 20% và tháng 3 này được các hãng sữa chọn làm thời điểm để đồng loạt tăng giá. Lý do được các hãng sữa đưa ra vẫn rất quen thuộc như: do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng tỉ lệ dưỡng chất hay thay đổi mẫu mã sản phẩm... Luật Giá áp dụng từ 1/1/2013 quy định các hãng sữa muốn điều chỉnh giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi đều phải kê khai đăng ký. Để lách quy định mới của Luật Giá, nhiều doanh nghiệp đã đổi tên sản phẩm từ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thành "sản phẩm dinh dưỡng" hay "thực phẩm bổ sung"..., nhờ đó mà các doanh nghiệp sẽ không phải chờ sự chấp thuận của Bộ Tài chính mà có thể tăng giá sữa như đối với các mặt hàng thông thường. Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, việcchỉ thay đổi tên hoặc nhãn hiệu mà không thay đổi về nội dung để đối phó với các cơ quan chức năng về quản lý thuế hoặc để người tiêu dùng hiểu khác đi nhằm tăng giá là vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp sữa đã "bắt tay" cùng nhà sản xuất kê khai giá sữa nhập khẩu cao lên, chấp nhận chịu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cao để được bán với giá thành cao cho người tiêu dùng. Vấn đề được đặt ra là tại sao không thể kiểm tra, kiểm soát được chiêu trò này, vì giá sữa nhập khẩu thì không chỉ nhập khẩu vào Việt Nam mà còn có giá ở nội địa nước sản xuất cũng như nhập khẩu vào các nước khác nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một trong những nguyên nhân khiến giá thành sữa cao và giá sữa không ngừng tăng còn là do phải gánh chịu một chi phí quảng cáo không hề nhỏ của các hãng sữa lớn. Chính sự mập mờ nhất định trong việc quảng cáo và đặc biệt là quảng cáo rất chuyên nghiệp thúc đẩy tâm lý của các bà mẹ tưởng rằng đó là loại sữa tốt nhất, buộc các bà mẹ phải mua với giá đắt, từ đó giúp hãng sữa thu lợi nhiều hơn, cuối cùng, thiệt hại đổ về người tiêu dùng. Đây là một vòng luẩn quẩn và cần gỡ từ cơ quan quản lý. Ở nước ta, có một điều đáng buồn là các hãng sữa nội có chất lượng và quy trình sản xuất không thua kém, tuy nhiên công tác quảng cáo và tổ chức mạng lưới bán hàng không được tốt khiến sữa không đủ sức cạnh tranh hoặc bán mức giá thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp sữa ngoại lớn không ngại ngần bỏ tiền chi cho quảng cáo khiến người tiêu dùng là các ông bố, bà mẹ chạy theo thị hiếu mà đôi khi đã vô tình xâm phạm chính quyền lợi tiêu dùng của mình.

Trước những diễn biến khó kiểm soát của giá sữa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần có những quy định cho các doanh nghiệp trong việc công bố chỉ tiêu dinh dưỡng của sữa theo mức giá bán cao và với mức độ quảng cáo của doanh nghiệp; khi người tiêu dùng có những con số để so sánh giữa giá sữa cao với giá sữa thấp mà chỉ số chất lượng tương đương nhau thì họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn giá sữa mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nhưng trước hết, việc quản lý cần phải đồng bộ, quản lý ở nhiều khâu từ khâu nhập khẩu, cho phép lưu hành, để các quy định của pháp luật trở thành những công cụ quản lý tốt. Một điều rất quan trọng là cần phải có những thông tin để người tiêu dùng hiểu và sử dụng được đầy đủ quyền và lợi ích của mình.

Phạm Mạnh

quy định tiêu dùng bộ tài chính doanh nghiệp người tiêu dùng chất lượng quảng cáo sản phẩm thay đổi gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...