chủ tịch nước chính trị xây dựng quy định cá nhân gia bão nghiên cứu đóng góp thủ tướng chính phủ hội thảo dự thảo kết quả
Ngày 25-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, chủ trì hội thảo. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở T.Ư và đại diện lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.
Theo Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như thời gian lấy ý kiến tương đối gấp, trùng vào dịp Tết Nguyên đán và vào thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung cho việc triển khai công tác năm 2013, nhưng về cơ bản việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Chính phủ. Đây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đến ngày 25-3-2013, Bộ Tư pháp đã nhận được 29/30 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, 59/63 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các địa phương. Nhìn chung, nhiều báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được xây dựng công phu, bài bản, số lượng tham gia ý kiến đông, trong đó nhiều ý kiến có chất lượng, tâm huyết. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức hơn 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về tổng thể, số lượng ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất lớn, trong đó bên cạnh số lượng khá lớn ý kiến tán thành, nhất trí với các nội dung, điều, khoản cụ thể của Dự thảo, cũng có một lượng lớn các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cơ bản, đa số các ý kiến cho rằng, Dự thảo đã bám sát các quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), phù hợp tình hình mới của đất nước. Dự thảo có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng như: ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng (như nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...).
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, Dự thảo Báo cáo của Chính phủ đưa ra đề xuất, kiến nghị về bảy nhóm vấn đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến định chế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; mối quan hệ giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Chủ tịch nước, với Tòa án Nhân dân tối cao... nhằm cụ thể hóa nhất quán nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội thảo. Đó là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, góp phần hoàn thiện bản Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Thủ tướng yêu cầu, Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhằm hoàn thiện bản Dự thảo Báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến vào phiên họp toàn thể sắp tới.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho đến khi trình QH xem xét, thông qua.
Tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu chuyên đề phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các nghiên cứu chuyên đề tập trung vào việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của QH và Ủy ban TVQH; chế định về chính quyền địa phương và quy định về hai thiết chế độc lập là Cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách và Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhóm nghiên cứu đã đề xuất, kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của QH, Ủy ban TVQH trong mối quan hệ ủy quyền lập pháp, bao gồm sáu nội dung: về thẩm quyền giải thích Hiến pháp; thẩm quyền giải thích luật; thẩm quyền ban hành văn bản; quyết định địa giới hành chính dưới cấp tỉnh; quyết định nhân sự cấp cao và thẩm quyền giám sát tối cao. Bên cạnh đó, cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban TVQH để duy trì hoạt động thường xuyên của QH bằng cách mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban TVQH với các chủ thể khác có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến QH như Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về các chế định về chính quyền địa phương, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng hệ thống chính quyền địa phương theo hướng phân cấp, tự chủ và tự chịu trách nhiệm có sự giám sát của T.Ư và của nhân dân. Liên quan đến hai thiết chế độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Cơ quan bảo vệ Hiến pháp, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là cần thiết, thể hiện cam kết dân chủ hóa đời sống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời kiến nghị, cần xây dựng một cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách, độc lập, thể chế đồng bộ, thống nhất, rõ ràng có sứ mệnh bảo vệ Hiến pháp.
Ngày 25-3, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đại biểu chức sắc các tôn giáo góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có sự kế thừa những giá trị khoa học trong các bản Hiến pháp trước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cụ thể hóa kịp thời Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý kiến vào hầu hết các nội dung của Dự thảo và đồng tình, nhất trí cao với vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
cá nhân nghiên cứu chính phủ kết quả thủ tướng hội thảo dự thảo xây dựng bão chủ tịch nước đóng góp quy định chính trị gia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét