Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ ngày 1-4-2013: Các bậc phụ huynh đừng chờ chế tài...

(PL&XH) - Chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu đợt cao điểm xử lý các trường hợp phụ huynh không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Bên cạnh số ít những phụ huynh chấp hành, tình trạng phụ huynh không đội MBH cho con em mình vẫn rất phổ biến....

Nguy cơ của con trẻ, lỗi "vô cảm" của nhiều phía

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (Ban ATGT) Hà Nội, hiện nay tỷ lệ đội MBH ở các trường tiểu học đạt thấp nhất so với khối THCS và THPT. Cụ thể, ở quận Ba Đình đạt 9%, quận Đống Đa đạt 7,3% và quận Cầu Giấy là 11,4%.

"Lý giải" cho hành động vi phạm của mình, nhiều phụ huynh cho rằng, chỉ nhìn ngoại hình cơ quan chức năng rất khó để xác định trẻ trên 6 tuổi. Hơn nữa, ở tuổi này việc đội MBH cho trẻ em là không cần thiết vì dễ gây ra dị tật, "vẹo đốt sống cổ" con em họ. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng quy định trên không khả thi và gây phiền toái.

Có thể thấy, hiện nay nhiều trẻ em phát triển về vóc dáng hơn các bạn cùng trang lứa. Vì vậy có ý kiến cho rằng, khi tiến hành xử phạt hành vi này, rất dễ nảy sinh tranh cãi giữa người vi phạm và lực lượng chức năng.

Thực tế, Nghị định 34/2010/NĐ - CP đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Đồng thời quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy. Mặt khác, các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành những quy định về tiêu chuẩn, chất lượng MBH cho trẻ. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân vẫn chưa cao, tỉ lệ trẻ em đội MBH khi ngồi trên xe máy còn thấp.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc Gia: "Khi xảy ra TNGT,

 trẻ em bao giờ cũng có nguy cơ dễ tổn thương, ở mức độ nặng hơn so với người trưởng thành".

Cụ thể, tại Điều 9, khoản 3, mục k của Nghị định 34 quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000đ đối với hành vi "chở người ngồi trên xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật".

Thực tế cho thấy, số vụ TNGT liên quan đến xe máy không hề giảm, và tỷ lệ  trẻ em chấn thương do không đội MBH vẫn ở mức cao. Thế nhưng, cách hướng dẫn thực hiện trên vô tình đã đặt lực lượng chức năng vào thế khó, trong việc giải quyết vấn đề tưởng chừng đơn giản và không phải bàn cãi.

Rõ ràng quy định, chế tài về việc xử phạt người tham giao giao thông không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên đã có từ lâu. Nhưng vì sao quy định đó lại không được chấp hành một cách nghiêm túc? Tỷ lệ vi phạm vẫn ở mức cao. Nguyên nhân dẫn đến "thực trạng" trên, được cho rằng khi Nghị định 34, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ra đời, đã là vấn đề gây tranh cãi vì lúc đó chưa có một quy chuẩn về MBH cho trẻ em. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, chính những chiếc MBH không đúng quy cách, không đạt chuẩn xuất hiện tràn lan, không có tác dụng bảo vệ, ngược lại còn gây nguy hiểm cho trẻ nếu xảy ra tai nạn.

"Những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi Nghị định 34 ra đời vào đầu tháng 4 - 2010, nhưng mãi đến tháng 3 - 2013, mới có quy định thế nào là một MBH đạt chuẩn chất lượng. Cách làm "ngược" này đã khiến cho một quy định vốn rất thiết thực, nhân văn lại không được chấp hành nghiêm túc" - một chuyên gia ATGT bày tỏ.  Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trách nhiệm chính vẫn là các bậc phụ huynh, nếu họ có sự quan tâm đầy đủ tới con em mình thì dù khó khăn đến mấy họ vẫn có thể tìm được chiếc MBH phù hợp cho con trẻ.

Luật sư Bùi Sinh Quyền: "Bảo vệ an toàn cho con em mình, là trách nhiệm mà các bậc phụ huynh nên hiểu và tự giác chấp hành quy định của luật".

Vì sự an toàn của trẻ em: Đừng đổ lỗi!

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 70% trường hợp tử vong (ở cả người lớn và trẻ em) do TNGT bắt nguồn từ nguyên nhân chấn thương sọ não. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải thấy rằng việc đội MBH cho con em mình là cần thiết. Nhiều chuyên gia ATGT cũng cho rằng, sự thờ ơ, bất cẩn, không chấp hành luật giao thông của người lớn khi tham gia giao thông làm tăng số vụ TNGT có nạn nhân là trẻ em.

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề trên, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trước đây Chính phủ đã quy định rất rõ các hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt, trong đó có việc không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Vừa qua Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, đã phối hợp với Ủy ban ATGT Hà Nội, cùng các cơ quan chức năng của TP, cũng như ở một số địa phương khác, triển khai chương trình "cưỡng chế mẫu" nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân, trong đó có việc đảm bảo ATGT cho trẻ em. "Việc xử phạt đối với lỗi vi phạm của phụ huynh không đội MBH cho con em mình khi ngồi trên xe máy, là đúng và cần thiết. Thực tế, khi xảy ra TNGT với cùng một lực tác động, trẻ em bao giờ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, ở mức độ nặng hơn so với người trưởng thành. Các bậc phụ huynh nên hiểu, việc bảo vệ an toàn cho con em mình là cần thiết, từ đó nâng cao ý thức chấp hành" - ông Thân Văn Thanh nhấn mạnh.  

Theo ông Thanh, các lực lượng chức năng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, cần kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, để hình thành thói quen văn minh khi tham gia giao thông. Đồng quan điểm, Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết: "Việc Nhà nước quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH, là một chủ trương mang tính nhân đạo rất cao, và không có gì khó thực hiện. Việc người dân cho rằng chủ trương trên gây phiền toái và khó khả thi, là do họ đã hình thành thói quen tùy tiện. Thực tế, các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng cho con em mình. Cũng nên hiểu rằng quy định trên là đúng và nên tự giác chấp hành theo quy định của Nhà nước. Đây là vấn đề bảo vệ an toàn tính mạng của người tham gia giao thông, và trẻ em cũng cần được đối xử bình đẳng như người lớn".

Theo Luật sư Quyền, tình trạng người dân không hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ an toàn cho tính mạng con em mình, có nguyên nhân từ hai phía. Trước hết, ở góc độ người dân cần phải phải tìm hiểu luật, không thể "nại" ra lý do này lý do nọ rồi không chấp hành luật. Thứ hai, ở góc độ tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa được sâu rộng giữa các vùng miền trong toàn quốc, vì thế tính hiệu quả cũng chưa đồng đều.

Sỹ Hào

Từ khoá: văn phòng tham gia giao thông an toàn nghị định trách nhiệm người dân an toàn giao thông tngt giao thông đường bộ giao thông bão người ngồi trên xe vi phạm xử phạt luật sư gia quy định

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...