(Petrotimes) - Mỹ nói Pakistan có thể phải chịu những trừng phạt kinh tế về dự án đường ống dẫn khí đốt với Iran. Dự án trị giá 7 tỉ USD sẽ giúp Pakistan giảm bớt thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Dự án đường ống dẫn khí đốt đang được xúc tiến trong phần đất Pakistan
Sau gần 20 năm, có tiến bộ đáng kể về "đường ống dẫn khí đốt hòa bình" từ Iran đến Pakistan, với việc các nhà thầu Iran bắt đầu làm việc trên phần ống về phía Pakistan của dự án, sau khi đã hoàn tất gần 900 km đường ống tại Iran.
Việc này gây quan ngại đối với Mỹ, quốc gia ủng hộ những trừng phạt quốc tế chống lại việc xuất khẩu năng lượng của Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống Iran Mamouh Ahmadinejad nói đường ống dẫn khí đốt không liên hệ gì với chương trình hạt nhân: "Các phần tử nước ngoài chống lại tiến bộ của Pakistan và Iran tìm lý do trong chương trình hạt nhân của chúng tôi. Đường ống dẫn khí đốt không có liên hệ gì cả đến chương trình hạt nhân. Bạn không thể làm bom hạt nhân bằng khí đốt".
Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardani nói đường ống là sự sống còn kinh tế: "Chúng tôi phải vững mạnh về kinh tế, và do đó đường ống này là đường ống sống còn của Pakistan".
Giáo sư Akbar Ahmed nói nhu cầu năng lượng của Pakistan vượt quá sự chống đối của Mỹ: "Đây là quyền lợi của chính phủ Pakistan có được năng lượng và Iran hứa giúp việc này qua đường ống dẫn khí đốt. Cùng lúc đó Mỹ làm đủ mọi việc để ngăn chặn".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: "Mỹ có những quan ngại nghiêm trọng nếu dự án này vẫn tiến tới và luật chế tài Iran sẽ được áp dụng. Mỹ đã thẳng thắn nói với Pakistan về những quan ngại này".
Một số nước khác đã được miễn trừ đối với những trừng phạt Iran. Pakistan nghĩ đường ống này cũng nên được miễn trừ. Tổng thống Zardani nói: "Tôi không thấy tại sao chúng tôi không thể giao dịch với thế giới và đảm bảo là thế giới hiểu được quan điểm của chúng tôi, và Pakistan cũng được miễn trừ đối với dự án này".
Giáo sư Ahmed cho biết Tehran hy vọng những chế tài do Mỹ dẫn đầu sẽ đẩy Pakistan trở thành đồng minh thân cận của Iran: "Tôi không nghĩ Mỹ nên đẩy Pakistan đến một bờ vực. Hiện Pakistan đang ở bên bờ vực của những đổ vỡ về luật pháp và trật tự, về mặt khủng hoảng kinh tế, về mặt cảm nhận được những khủng hoảng đang bao trùm Pakistan và nhận thức tại Pakistan Mỹ là nguyên nhân chính gây nên hầu hết những vấn đề tại Pakistan".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hy vọng đến Islamabad sau chuyến viếng thăm bất ngờ của ông đến Kabul tuần trước, và vấn đề đường ống sẽ được đặt ra. Tuy nhiên, chuyến đi bị hủy vì sự bất ổn chính trị tại Pakistan trước các cuộc bầu cử sắp tới.
Th.Long (Theo AP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét