Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Grab mua Uber: Ai được, ai mất?

ictnews Uber - Grab đang là thương vụ được quan tâm nhất trong mấy ngày gần đây không chỉ bởi cộng đồng người sử dụng lớn. Ai được, ai mất và thương vụ này có tác động đến thị trường ra sao? ICTnews giới thiệu đến bạn đọc góc nhìn của CEO Rada, một "người trong cuộc" của nền kinh tế chia sẻ.

Ai được, ai mất trong thương vụ Grab - Uber? Ảnh minh họa: Intenet

Cuối cùng sau quá nhiều đồn đoán, lôi kéo rất nhiều sự thu hút của giới truyền thông và các đối thủ trong khu vực, Grab đã chính thức công bố việc thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thương vụ "tốn nhiều giấy mực" trong thời gian gần đây bởi những tác động không nhỏ đến thị trường trong nước.

ICTnews giới thiệu bài viết của ông Mã Hoàng Hải, CEO Rada - một ứng dụng di động kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ do chính người Việt sáng tạo và phát triển đang khá thành công trên thị trường hiện nay. Bài viết mang tính nhận định chủ quan và đi vào phân tích một số khía cạnh, tác động trực tiếp của thương vụ Uber - Grab.

Grab

Nhân vật chính trong thương vụ đình đám có thể nói nhận được khá nhiều sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt đối với thị trường Đông Nam Á. Nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần tiếp quản toàn bộ mảng kinh doanh của Uber SEA vẫn còn là quá ít mà cần tính tới việc giờ đây đối thủ trực tiếp và lớn nhất của họ đã buông súng, giúp họ rảnh tay đối phó với những đối thủ tiềm tàng khác. Với thỏa thuận này, tham vọng trở thành nền tảng số 1 về chia sẻ xe, giao nhận đồ ăn và cả mảng thanh toán điện tử hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Dẫn dắt và thống lĩnh thị trường hơn 600 triệu dân quả là một viễn cảnh mở ra không gì đẹp đẽ hơn với chính họ.

Dẫu vậy, cần thận trọng một điểm là giờ đây Grab đã chính thức vào tầm ngắm của rất nhiều chính phủ khu vực Đông Nam Á dưới khía cạnh một thế lực độc quyền quá lớn, có khả năng chi phối và kiểm soát thị trường quá mạnh mẽ tại các quốc gia họ hiện diện. Tiền mặt rủng rỉnh, nguồn lực tập trung, thị trường rộng mở… ai có thể ngăn cản nổi bước tiến của Grab?

Uber

Cho dù đây không phải là kết cục mong muốn kể từ ngày thâm nhập thị trường Đông Nam Á 5 năm về trước, nhưng với chi phí bỏ ra khoảng 700 triệu USD (phần lớn đã thành tro bụi trong cuộc chiến với Grab) đổi lại sở hữu 27,5% tại Grab cũng được định giá trị vài tỷ USD. Kết cục đó đủ làm hài lòng các cổ đông của Uber hơn việc cứ tiếp tục đốt tiền giao chiến cùng Grab trong một cuộc đua không có điểm dừng.

Uber đã không còn bị sa lầy ở khu rừng rậm ĐNA nhiều cạm bẫy và khó lường. Các cổ đông còn đòi hỏi gì hơn được ở một giải pháp như vậy?

Các hãng taxi truyền thống (TXTT)

Không có lý do gì để mở sâm banh khi đón nhận thông tin này. Đối thủ trực tiếp đã trở nên quá mạnh lại còn tập hợp xung quanh mình rất nhiều lợi thế: từ công nghệ, lượng khách hàng, đến thói quen gọi xe, thị phần lớn...và đặc biệt nhất là kiểm soát giá.

Cuộc quyết đấu càng trở nên khó thở và ngột ngạt hơn. Không gian xoay xở ngày càng chật hẹp còn thời gian thì không có nhiều. Đòn phản công nào khả thi nếu không phải là tập hợp nhau lại, đoàn kết và cùng chung sức để giữ vững thị phần chờ cơ hội xuất hiện khi Grab suy yếu hay sự tỉnh thức của người sử dụng đã quá quen với việc nhận khuyến mãi thường xuyên qua app đặt xe?

Những lái xe tư nhân

"Những ngày tháng màu hồng" đã qua trả lại cho họ một không gian không hề dễ chịu có thừa sự oi nồng và mùi khét lẹt... Với những lái xe Uber lựa chọn chỉ còn duy nhất làm việc cho Grab. Với những ai đã từng bị Grab từ chối, lối thoát chỉ còn một con đường: BÁN XE!

Người tiêu dùng thì sao?

Không phủ nhận đây là đối tượng cả Grab lẫn Uber liên tục o bế suốt thời gian qua. Đánh trúng tâm lý khách hàng, Grab liên tiếp khuyến mãi, giữ giá hầu như không thay đổi (tăng nhiều) và xây dựng thói quen gắn bó với Grab. Tuy vậy, khi áp lực cạnh tranh giữ khách hàng đã giảm (thậm chí đã gần như biến mất sau một đêm), Grab sẽ không có nhiều lý do thuyết phục để tiếp tục giữ nguyên các chiến thuật như vậy thời gian tới.

Phải chăng Grab sẽ xiết lại khuyến mãi và tính toán lộ trình điều chỉnh giá cước xe phù hợp... Đã đến lúc Grab phải lấy lại những gì đã mất! Đối thủ trực tiếp đã biến mất, áp lực từ cổ đông cần tạo ra lợi nhuận với dòng tiền dương, sự hậu thuẫn của thị trường mở rộng, Grab có đầy đủ lý do và điều kiện để khai triển những thứ mình muốn. 

Cơ quan quản lý

Còn nhớ trước đây Bộ trưởng GTVT đã chỉ đích danh cái tên Uber/Grab trong soạn thảo Nghị Định mới (thay thế Nghị định 86) thì nay công việc đã giảm tải đi một nửa rồi chăng? Chẳng cần tới một động thái cụ thể nào, thậm chí phiên bản dự thảo còn chưa thống nhất, công việc quản lý đã giảm tải đi một nửa. Dẫu vậy, viễn cảnh quản lý được các hãng xe công nghệ (như Grab) và chống thất thu thuế vẫn còn là một dấu hỏi chưa có câu trả lời? Cục quản lý cạnh tranh lại có thêm việc để làm khi Grab nay vươn lên chiếm lĩnh vị trí độc tôn và trực tiếp là một thế lực độc quyền không bàn cãi. Lý do bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở nên hiện hữu và sẽ là một lý do không còn bị hoài nghi nhiều khi ban hành các quyết sách mới. Bất kể các điều chỉnh là gì đi chăng nữa thì kết cục cả Grab cũng rời bỏ Việt Nam hẳn không phải là điều người sử dụng mong đợi!

Source http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/grab-mua-uber-ai-duoc-ai-mat-165761.ict

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...